• Zalo

Hành trình bắt hai kẻ trốn nã sau hơn 30 năm giết người

Pháp luậtThứ Tư, 21/02/2018 07:42:00 +07:00Google News

Thọ bắn vào đầu nạn nhân để cướp chiếc đài rồi bỏ trốn nhưng vẫn bị bắt sau hơn 30 năm lẩn trốn.

Nói về lực lượng cảnh sát, mọi người hay nghĩ đến lính hình sự. Cùng thực hiện nhiệm vụ tương tự, thậm chí là đấu tranh trực diện với tội phạm đặc biệt nguy hiểm nhưng cảnh sát truy nã có phần "ẩn danh" hơn.

"Bản chất của kẻ bị truy nã là đã phạm tội và trốn chạy. Họ thường có nhiều thủ đoạn hòng che đậy bản thân nên mỗi lần bắt kẻ bị truy nã, với chúng tôi là một chuyên án", thượng tá Nguyễn Hồng Đăng, Đội trưởng đội 4 của PC52 (Công an Hải Phòng) chia sẻ.

Chỉ xét riêng thủ đoạn đối phó với công an của những kẻ trốn nã, thượng tá Đăng cho biết khi thì chúng phẫu thuật thẩm mỹ, lúc lại giả làm người lương thiện.

Có người lẩn trốn trên 30 năm, đến khi đã lên chức ông nội, ông ngoại thì mới bị bắt như Nguyễn Văn Nguyên (61 tuổi) hay Nguyễn Dương Thọ (62 tuổi, cùng ở Kiến Thụy, Hải Phòng).

Bắn chết người vì chiếc đài cassette

Năm 1983, Nguyên, Thọ và em ruột của Thọ là Nguyễn Dương Thẹ đã dùng súng bắn chết người cùng làng là anh Song để cướp chiếc cassette. Gây án xong Thọ và Nguyên bỏ trốn, Thẹ bị bắt và chết trong thời gian thụ án 16 năm tù về tội Giết người.

Khi đó, phương tiện kỹ thuật thiếu và kém nên cảnh sát chưa thể tìm ra tung tích của Nguyên và Thọ. Theo thời gian, hồ sơ liên quan đến hai người này bị thất lạc khiến tin tức về hai kẻ giết người ngày một mờ mịt.

Vụ việc tưởng chừng như bế tắc thì trinh sát phát hiện thông tin sau khi gây án Thọ và Nguyên từng trốn ở Quảng Ninh, nơi chị ruột của Thọ sinh sống. Trinh sát Cường và Công nhận lệnh lần theo manh mối này. 

Khi hai trinh sát đến nhà chị của Thọ thì người này đã chuyển chỗ ở. Nhiều ngày quần đảo ở đất mỏ, tung tích về hai tên tội phạm vẫn biệt tăm, trong khi kinh phí dự trù của hai trinh sát đã cạn kiệt nên họ phải ở nhờ nhà dân, sống như một người làm công trong nhiều tháng.

Hai trinh sát sau đó phát hiện hai người trốn truy nã từng được chị gái của Thọ cung cấp hai chứng minh nhân dân với tên Bình và Duy. Có được giấy tờ tùy thân này, bộ đôi rời Quảng Ninh và đi đâu không ai rõ.

Tiếp tục truy tìm tung tích hai tên tội phạm, trinh sát có thêm manh mối mơ hồ. Đó là nguồn tin nói từng nghe nơi ở của tên Thọ và Nguyên có cái hồ rất to nằm giữa núi.

'Lật tẩy' kẻ trốn truy nã

Tại Tây Nguyên, trinh sát tìm được một địa danh đúng như miêu tả. Đó là xã Eakly, huyện Krông Pắc (Đăk Lăk) có hai người mang tên Nguyễn Văn Bình (Thọ) và Trần Văn Duy (Nguyên). Trong đó người tên Duy phần quê quán ghi huyện Thanh Miện, Hải Dương.

Một tổ công tác khác lên đường đi Hải Dương và tìm gặp người có tên Trần Văn Duy. Anh Duy kể những năm 80, anh đến Quảng Ninh làm công nhân mỏ và bị mất tập hồ sơ xin việc, trong đó có chứng minh nhân dân.

Nhóm trinh sát ở Tây Nguyên vẫn chưa đủ căn cứ để trực tiếp đấu tranh với kẻ nghi vấn sau thông tin thu được từ Hải Dương. Hơn thế, ở xã Eakly, Duy (tức Nguyên) được ghi nhận là người không có bất cứ vi phạm pháp luật gì, kinh tế gia đình khá giả, các con thành đạt. Nếu tổ trinh sát hành động sơ xuất, rất có thể cuộc truy bắt sẽ không thành.

Ban chỉ huy và đồng đội ở các mũi trinh sát khác vô cùng sốt ruột. Tất thảy đều có niềm tin rằng kẻ đang sống ở xã Eakly chính xác là Nguyên, tên giết người đang lẩn trốn nhưng căn cứ để trực tiếp bắt giữ hắn chưa tìm ra nên trinh sát tiếp tục phải ém mình tìm bằng chứng.

Ban chuyên án nhận được một thông tin quan trọng ngay sau đó là Nguyên bị chột một mắt. Thông tin này vô cùng quan trọng, tháo gỡ toàn bộ bế tắc của lần truy bắt. Ngay sau đó, công an xã Eakly đã khéo léo tiếp cận người nghi vấn và xác định Duy hỏng mắt phải. 

Bước tiếp theo là công an địa phương mời Duy làm việc, yêu cầu kèm theo là phải mang chứng minh nhân dân. Giấy mời ghi buổi sáng nhưng mãi đến chiều mới xuất hiện. Qua màn hỏi đáp, Duy một mực phủ nhận mình là Nguyên và tỏ ra rất nhớ lý lịch về người tên Duy bởi đã học thuộc qua bộ hồ sơ xin việc.

Nhưng Nguyên không biết rằng sau thời điểm anh Duy bị mất hồ sơ, cha mẹ Duy sinh thêm một người con gái. Chính chi tiết về người em này đã tố cáo Duy (tức Nguyên) là kẻ giả mạo nên kẻ trốn truy nã trên 30 năm đã thừa nhận gây ra cái chết của anh Song vào năm 1983.

Hai lần bỏ trốn vẫn không thoát

Sau khi Nguyên bị bắt, Bình (tức Thọ) nghe ngóng được thông tin và nhanh chân bỏ trốn lần nữa. Một năm sau đó, cảnh sát truy nã Hải Phòng tiếp tục trở lại Tây Nguyên và thực hiện lệnh bắt giam Thọ.

Đó là 23h một ngày tháng 6/2015, tổ trinh sát cùng lực lượng công an ập vào nhà Thọ sau đám giỗ vừa tan. Thấy động, Thọ nép vào sau cánh cửa nhưng khi trinh sát xông vào thì ông ta không chống đối mà bình tĩnh nói: "Tôi biết thế nào cũng có ngày này" rồi Thọ nói vội lời từ biệt vợ, 6 người con và đàn cháu nội, ngoại.

Hơn 30 năm sau ngày giết người, Nguyên và Thọ nhận hình phạt 18 năm tù về tội Giết người. Theo thượng tá Đăng, khi kẻ ác bị bắt sẽ an ủi phần nào đối với thân nhân bị hại, dù sự trả giá ấy khá muộn màng.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn